1,5°C: Ý NGHĨA VÀ TẦM QUAN TRỌNG

  • Thứ năm, 14:29 Ngày 25/04/2024
  • Mỗi phần nhỏ của mức độ nóng lên đều quan trọng. Với mỗi sự tăng thêm của hiện tượng nóng lên toàn cầu, thì những thay đổi về mức độ cực đoan và rủi ro sẽ trở nên lớn hơn.

    Khoa học thật rõ ràng: nhằm ngăn chặn nchững tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu và duy trì một hành tinh có thể sống được, sự nóng lên toàn cầu cần phải được hạn chế hết sức có thể và là một vấn đề cấp bách. ( IPCC)

    Theo Thỏa thuận Paris, các quốc gia đã đồng ý giảm đáng kể lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu nhằm duy trì mức tăng nhiệt độ bề mặt trung bình toàn cầu trong thời gian dài ở mức dưới 2°C so với mức tiền công nghiệp và theo đuổi các nỗ lực nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C như đã đặt ra trong Thoả thuận Paris.

    Tại COP 26, 27 và 28, các quốc gia nhấn mạnh rằng tác động của biến đổi khí hậu sẽ ít hơn nhiều khi nhiệt độ tăng 1,5°C, so với 2°C, đồng thời bày tỏ quyết tâm kiên định theo đuổi các nỗ lực hạn chế hiện tượng nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C. ( Kết quả COP ; IPCC )

    Mức tăng hàng tháng và hàng năm ở mức 1,5°C không có nghĩa là thế giới không đạt được mục tiêu về nhiệt độ của Thỏa thuận Paris, vốn đề cập đến sự gia tăng nhiệt độ dài hạn trong nhiều thập kỷ, chứ không tính từng tháng hoặc từng năm. Nhiệt độ, trong bất kỳ tháng hoặc năm nào đó, cũng dao động do sự biến đổi tự nhiên, bao gồm các hiện tượng El Niño/La Niña và các sự phun trào núi lửa. Do vậy, những thay đổi nhiệt độ dài hạn thường được xem xét theo thang thời gian thập kỷ . ( WMO )

    Tuy nhiên, mức tăng nhiệt độ vượt quá 1,5°C trong một tháng hoặc một năm là những dấu chỉ ban đầu cho thấy nguy cơ tiến gần đến sự vượt quá giới hạn dài hạn và dấu chỉ này là lời kêu gọi khẩn cấp cho việc cần phải tăng cường sự nỗ lực và đẩy nhanh hành động trong thập kỷ quan trọng này. ( UNEP ).

    Sự thay đổi nhiệt độ toàn cầu thường được đo lường dựa trên nhiệt độ trung bình trong thời kỳ tiền công nghiệp lịch sử 1850–1900. Đường cơ sở này là giai đoạn đầu tiên mà các trạm dự báo chất lượng cao về nhiệt độ bề mặt trên đất liền và đại dương đưa ra. ( IPCC ).

    Những tháng đầu tiên có nhiệt độ trung bình cao hơn 1,5°C so với mức trung bình thời tiền công nghiệp xảy ra trong giai đoạn 2015-2016, bị tác động do bởi biến đổi khí hậu mà con người gây ra và hiện tượng El Niño xảy ra tự nhiên và mạnh mẽ. Giai đoạn cuối năm 2023 và đầu năm 2024 chúng ta cũng chứng kiến nhiệt độ trung bình toàn cầu hàng tháng bất thường trên 1,5°C. (WMO)

    Theo dữ liệu khoa học (Copernicus Climate Change Service),  khoảng thời gian 12 tháng đầu tiên vượt quá mức trung bình 1,5°C, là từ tháng 2 năm 2023 đến tháng 1 năm 2024, tác động thêm bởi hiện tượng El Niño, thời điểm nhiệt độ trung bình trên toàn cầu được ước tính cao hơn 1,52°C so với giai đoạn 1850–1900. Khả năng xảy ra nhiệt độ trung bình toàn cầu hàng năm vượt quá 1,5°C so với mức tiền công nghiệp trong ít nhất một năm trong 5 năm tới đã tăng đáng kể kể từ năm 2015, khi nhiệt độ gần bằng 0 (WMO ).

    Nhiệt độ trung bình toàn cầu trong giai đoạn 10 năm gần đây nhất, từ 2014 đến 2023, được ước tính là giai đoạn 10 năm ấm nhất được ghi nhận, ở mức tăng khoảng 1,2°C so với mức trung bình giai đoạn 1850-1900 ( WMO ). Sự nóng lên trung bình trong 20 năm giai đoạn 2001–2020 so với giai đoạn 1850–1900 là 0,99°C ( IPCC ).

    Đồ họa: UNFCCC

    Mỗi phần nhỏ của mức độ nóng lên đều quan trọng. Với mỗi mức tăng thêm của hiện tượng nóng lên toàn cầu, những thay đổi về mức độ cực đoan và rủi ro sẽ trở nên lớn hơn. Ví dụ, với mỗi nhiệt độ tăng thêm 0.1°C thì hiện tượng nóng lên toàn cầu sẽ gây ra sự gia tăng rõ rệt về cường độ và tần suất của nhiệt độ và lượng mưa cực đoan, cũng như gây ra hạn hán cho nông nghiệp và sinh thái ở một số khu vực. ( IPCC )

    Việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức dưới 1,5°C sẽ làm giảm đáng kể các rủi ro, tác động bất lợi cũng như những tổn thất và thiệt hại liên quan do biến đổi khí hậu gây ra. Nếu chúng ta không hành động ngay sẽ dẫn đến các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng thường xuyên và nguy hiểm hơn như các đợt nắng nóng, hạn hán, cháy rừng, lượng mưa lớn và lũ lụt ( IPCC ). Nhiệt độ cực cao gây tỷ lệ tử vong lớn nhất trong tất cả các loại thời tiết khắc nghiệt, với ước tính có khoảng 489.000 ca tử vong liên quan đến nhiệt độ mỗi năm từ năm 2000 đến năm 2019 ( WMO ). Vượt quá 1,5°C cũng có thể gây thêm nhiều điểm bùng phát khí hậu – ví dụ như sự phá huỷ các hệ thống tuần hoàn lớn của đại dương, sự tan băng đột ngột của lớp băng vĩnh cửu ở phương bắc, và sự phá huỷ hệ thống rạn san hô nhiệt đới - với những tác động đột ngột, không thể đảo ngược và gây nguy hiểm cho nhân loại.( Khoa học )

    Ngay cả ở mức độ nóng lên toàn cầu hiện nay, chúng ta cũng đã chứng kiến những tác động tàn khốc của khí hậu, như các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng, sự suy giảm đáng báo động của các tảng băng, băng biển và sông băng cũng như một số sự kiện tẩy trắng san hô hàng loạt, gây những tác hại chung cho con người, kinh tế và thiên nhiên ( IPCC ). Trong hai thập kỷ qua, chỉ riêng 55 nền kinh tế dễ bị tổn thương nhất về khí hậu đã phải gánh chịu thiệt hại do biến đổi khí hậu vượt quá 500 tỷ USD ( UNEP ). Vào năm 2022, thiên tai tác động, gây ra con số kỷ lục là 32,6 triệu người phải di dời trong nước, trong số đó 98% phải di đời là do các mối nguy hiểm liên quan đến thời tiết như lũ lụt, bão, cháy rừng và hạn hán ( UNHCR ).

    Tác động đến sức khỏe con người do biến đổi khí hậu đã cho thấy rõ trong ít nhất 20 năm qua, nhưng cuộc khủng hoảng khí hậu vẫn chưa được xử lý như các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu khác. Tổng số ca tử vong do biến đổi khí hậu kể từ năm 2000 sẽ vượt quá 4 triệu người vào năm 2024. Con số này có thể là một sự đánh giá không đúng mức do chỉ tập trung vào suy dinh dưỡng liên quan đến khí hậu, bệnh tiêu chảy, sốt rét, lũ lụt và các bệnh tim mạch, trong khi biến đổi khí hậu là một mối đe dọa theo cấp số nhân của nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan khác và rủi ro sức khỏe cộng đồng. (Nature; PLOS)

    Rất nhiều tác động do biến đổi khí hậu, đặc biệt là mực nước biển dâng cao do các tảng băng, sự biến mất của sông băng trên núi và axit hóa đại dương, về cơ bản là vĩnh viễn đối với nhiều thế hệ sau và sẽ mất hàng thế kỷ đến hàng nghìn năm để khôi phục lại điều kiện như ngày nay. Để giảm thiểu tổn thất và thiệt hại, điều rất quan trọng là phải giảm thiểu cường độ và thời gian tạm thời vượt quá 1,5°C bằng cách giảm khẩn cấp và giảm đáng kể lượng phát thải khí nhà kính cũng như loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch. (New insights; IPCC)

    Theo các lộ trình mô hình hóa toàn cầu, nhằm hạn chế sự nóng lên ở mức 1,5°C mà không hoặc giới hạn sự vượt quá mức tạm thời, lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu sẽ đạt đỉnh điểm vào năm 2025 và giảm 43% vào năm 2030 so với năm 2019. Lượng khí thải CO2 toàn cầu đạt mức 0 vào năm 2050. ( IPCC)

    Tuy vậy, lượng khí thải CO2 toàn cầu, phần lớn đến từ nhiên liệu hóa thạch, tiếp tục tăng và đạt mức kỷ lục. Với tốc độ phát thải hiện tại, “ngân sách carbon” còn lại để hạn chế sự nóng lên toàn cầu trong thời gian dài ở mức 1,5°C với 50% khả năng (khoảng 250–275 tỷ tấn CO2) sẽ cạn kiệt vào năm 2030. (UNEP; Global Carbon Project)

    Cam kết của các nước trong việc giảm phát thải khí nhà kính theo Thỏa thuận Paris đã góp phần giảm hiện tượng nóng lên toàn cầu dự kiến vào cuối thế kỷ 21 từ 3,7–4,8°C xuống 2,4–2,6°C hoặc thậm chí có thể thấp hơn. Mặc dù điều này vẫn chưa đủ nhưng nó cho thấy các cam kết tập thể theo Thỏa thuận Paris đã tạo ra sự khác biệt ( UNFCCC ).

    Tại COP28 được tổ chức vào tháng 12 năm 2023, các chính phủ cũng đồng ý tăng cường sự nỗ lực về các cam kết khí hậu quốc gia của họ - đến năm 2025 - phù hợp với việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C, theo thông tin khoa học mới nhất, bao gồm toàn bộ nền kinh tế và toàn bộ khí nhà kính và các lĩnh vực ( kết quả COP28) .

    Các cam kết và cam kết ròng bằng không cũng phải được hỗ trợ bằng hành động và việc thực hiện cụ thể. Chúng ta cần phải hướng đường cong phát thải toàn cầu - cũng như việc sản xuất và tiêu thụ than, dầu và khí đốt - xuống phía dưới, bắt đầu từ bây giờ ( UNEP ).

    Hiện có rất nhiều giải pháp, và nhiều trong số các giải pháp đã được triển khai thành công. Các chính sách về khí hậu và biện pháp kinh tế được thiết lập phù hợp – có mối liên kết chặt chẽ giữa các lộ trình giảm thiểu, thích ứng và phát triển - cũng có thể giúp đạt được sự phát triển bền vững, mang lại công bằng, xóa đói giảm nghèo và bảo vệ sức khỏe cộng đồng và hành tinh ( IPCC ).

    Nguồn: https://www.un.org/en/climatechange/science/climate-issues/degrees-matter

    Chuyển ngữ: PTT – Caritas Việt Nam

    Bài viết liên quan